Tự kỳ thị trong cộng đồng LGBT – vì sao chúng ta không yêu bản thân mình?
Tự kỳ thị bắt đầu từ khi chúng ta còn nhỏ. Trong nền văn hoá nặng phân biệt và độc tôn dị tính này, chúng ta đã được dạy về những giá trị trong xã hội, bị nghe và dạy nhiều điều tiêu cực về đồng tính và tình yêu cùng giới. Giống như những người khác, người LGBTIQ (đồng tính, song tính, chuyển giới và đa dạng khác) cũng đã bị nhồi nhét tư tưởng rằng tất cả những gì không dị tính đều “điên rồi”, “xấu xa”, “đáng xấu hổ” hay “trái tự nhiên”. Điều này rất dễ khiến họ tự coi thường và ghét bỏ bản thân, dẫn đến “tự kỳ thị” (“internalized queerphobia”) hay “áp bức nội hoá” (internalized oppression).
Tự kỳ thị là gì?
Tự kỳ thị và áp bức xảy ra với những người được dạy và tin tưởng rằng dị tính là chuẩn mực và là “điều đúng đắn”. Việc nghe hay nhìn thấy những biểu hiện tiêu cực của người LGBTIQ có thể kiến ta tự nhận và tin vào những thông điệp tiêu cực này. Hậu quả là, nhiều người LGBTIQ phải chịu bệnh tâm lý vì nó.
Cảm giác về giá trị bản thân và cách nhìn tích cực về xu hướng tính dục là một trong những yếu tố quan trọng cho sức khoẻ tâm trí. Có thể bạn, giống như những người đồng tính, song tính khác, đã phải che giấu xu hướng tính dục trong một khoảng thời gian dài. Một nghiên cứu tại Bắc Ireland năm 2003 cho thấy: Độ tuổi trung bình để nam giới nhận ra xu hướng tính dục của mình là 12, nhưng phải đến 17 tuổi những người này mới chính thức thừa nhận với ai đó. Chính trong những năm thanh xuân mà người ta bắt đầu hiểu về xu hướng tính dục của mình này mà sự tự kỳ thị hình thành và ảnh hưởng đến họ.
Những biểu hiện của tự kỳ thị
Tự kỳ thị đồng tính có nhiều biểu hiện khác nhau và có mối liên kết khá rõ đến sức khoẻ tâm trí. Một số ví dụ như:
- Phủ nhận xu hướng tính dục của bản thân với chính mình và với người khác
- Cố gắng thay đổi xu hướng tính dục của bản thân
- Luôn cảm thấy mình kém cỏi
- Thực hiện những hành vi mang tính ám ảnh (obsessive) và/hoặc cưỡng chế (compulsive)
- Lòng tự tôn thấp, suy nghĩ tiêu cực về bản thân
- Coi thường những người LGBTIQ cởi mở hoặc “lộ” hơn mình
- Coi thường những người còn trong giai đoạn đầu của quá trình công khai
- Phủ nhận việc kì thị đồng tính, độc tôn dị tính, kỳ thị song tính hay phân biệt giới tính là những vấn đề nghiêm trọng của xã hội
- Coi thường những người không giống mình hoặc coi thường những người (có vẻ như) giống mình. Đôi khi tự tách bản thân mình ra khỏi cộng đồng bằng cách tấn công vũ lực và/hoặc lời nói với những người LGBTIQ khác.
- Áp đặt định kiến bản thân với một nhóm khác
- Trở thành người bạo hành hoặc ở trong một mối quan hệ mang tính bạo hành
- Cố gắng trở nên “giống với dị tính”, đôi khi cưới người khác giới để xã hội chấp nhận hoặc mong muốn “hết bệnh”
- Sợ hãi và xa lánh bạn bè, người thân
- Trốn học, bỏ học; Vắng mặt hoặc giảm sức làm việc tại công sở
- Liên tục tự soi xét bản thân mình về cách hành xử, thái độ, niềm tin và lý tưởng
- Không tin tưởng và phỉ báng những người lãnh đạo hội nhóm LGBTIQ
- Quan hệ tình dục không an toàn hoặc những hành vi nguy hại đến bản thân liên quan đến HIV hoặc các STI (lây nhiễm qua đường tình dục) khác
- Lạm dụng chất kích thích, bao gồm cả rượu và thuốc
- Nghĩ đến việc tự tử, thử tự tử hoặc có hành động tự tử
- vv…
Trong cuốn “Pink Therapy” (1996) của mình, Davies và Neal cũng đã mô tả một vài ví dụ khác về việc tự kỳ thị và áp bức nội hoá có thể gây ảnh hưởng đến người đồng tính, song tính nam như:
Sợ bị phát hiện:
Khi một người cố gắng che giấu xu hướng tính dục của bản thân với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp bằng cách “đạt chuẩn dị tính” (pass). Họ cũng có thể đang cố gắng “pass” để bảo vệ người khác (như việc giới thiệu người yêu đang chung sống của mình là “bạn thân”).
Không thoải mái với những người cùng cộng đồng khác
Không muốn đến những không gian của cộng đồng vì lo sợ người quen sẽ nhìn thấy mình, trừ khi đang đi công tác xa hoặc nghỉ lễ xa; Hoặc xa lánh đồng nghiệp nào là người LGBTIQ vì sợ rằng người khác sẽ gán ghép.
Các mối quan hệ ngắn hạn:
Một ví dụ của hành vi này là khi một người từ chối tìm hiểu đối tác để tiến xa hơn trong mối quan hệ, với lý do rằng bạn đang quá bận trong công việc và chỉ muốn “có một mối quan hệ đơn giản”
Các ví dụ trên đã cho thấy: Sự tự kỳ thị và áp bức nội hoá gây ảnh hưởng rất nặng đến sức khoẻ tâm trí của người LGBTIQ, cũng như chi phối ý nghĩ, cảm xúc và hành vi của họ. Davies & Neal cũng tin rằng gần như tất cả người đồng tính, song tính nam lớn lên tại Anh Quốc hoặc Ireland đều ít nhiều tin vào những ý kiến tiêu cực của xã hội về LGBTIQ.
Vậy làm thế nào để người queer có thể chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình? Bên cạnh việc hiểu đúng về các kiến thức đa dạng giới và tính dục, bạn cũng cần có những kỹ năng thấu hiểu cảm xúc, giúp bạn đánh giá được những cảm xúc tiêu cực này là từ đâu tới. Hãy tìm hiểu khóa học “Yêu thương bản thân” của dự án Kỳ Lân Biết Tuốt để hỗ trợ bản thân mình tốt hơn nhé!
—————————
The Rainbow Project
Dịch bởi: Minh Toàn | Nam Yêu Nam Organization
Hình ảnh: revelandriot.com