Nên/không nên làm gì khi người khác chưa hiểu về LGBT?

Người LGBT nên ứng xử thế nào khi bị kỳ thị?

Published on: 27/09/2020
Nên/không nên làm gì khi người khác chưa hiểu về LGBT?

Cộng đồng LGBTIQ tuy chỉ chiếm 5-10% dân số nhưng rất đa dạng, đến ngay cả những người trong cộng đồng còn chưa thể hiểu và nhớ hết những bản dạng. Vì thế, việc nhầm lẫn, thiếu kiến thức, thậm chí kỳ thị, là chuyện không thể tránh khỏi. Vậy chúng ta nên và không nên làm gì khi thấy những trường hợp như thế? NYNO xin gửi đến bạn một vài gợi ý nhé!

Ý KIẾN CÁ NHÂN NÊN ĐƯỢC TÔN TRỌNG


Mỗi con người là một cá thể riêng biệt, không ai giống nhau, nên không có gì khó hiểu khi chúng ta có ý kiến đồng thuận và đối nghịch. Bạn nên hiểu rằng dù ý kiến đó có như thế nào thì đấy vẫn là quan điểm cá nhân và nên được tôn trọng, đặc biệt là tôn trọng người đưa ra ý kiến đó. 

KHOAN DUNG LÀ ĐIỀU CẦN THIẾT


Khoan dung là không bỏ qua những sai lầm nhưng là nhìn nhận, phân tích những sai sót dựa trên tính đa dạng về tư tưởng, tính cách, xuất thân, tôn giáo,…. Con người không ai là giống nhau, vì thế sẽ có những cá nhân chưa có cơ hội được tiếp xúc hay tìm hiểu về LGBTIQ. Khoan dung là cần thiết, vì không phải ai cũng có kiến thức về đa dạng giới và tính dục, ngay cả chính chúng ta cũng từng có đôi lần hiểu sai về cộng đồng và bản thân mình mà.

HỌC LÀ VIỆC CẢ ĐỜI


“Học. Học nữa. Học mãi.” Không có ai luôn luôn đúng, không có ai chưa từng sai. Tại sao khi gặp những người thiếu kiến thức, chúng ta lại không chỉ họ điều đúng? Cung cấp cho họ nguồn tài liệu nghiên cứu về cộng đồng LGBTIQ và đa dạng giới, tính dục để họ có thể hiểu vấn đề, hoặc nếu được, bạn có thể trực tiếp nói họ chưa đúng ở đâu, và thế nào mới là đúng. Và nhớ điều tiếp theo nhé:

KHÔNG NÊN ĐÁP TRẢ BẰNG THÙ GHÉT


Chỉ ra điều đúng không có nghĩa bạn nên dùng hết sức bình sinh để công kích, bôi nhọ hay làm xấu họ một cách công khai. Xã hội vốn đã đầy rẫy sự thù ghét rồi, vậy tại sao chúng ta lại không san sẻ chút yêu thương nhỉ? Đừng nên đáp trả những lời lẽ kỳ thị người LGBTIQ bằng thái độ tiêu cực, vì nó sẽ chỉ gieo thêm mầm ganh ghét và khiến cho hành động lan truyền kiến thức tích cực của bạn trở nên tiêu cực và phản tác dụng.

BẮT NẠT CHƯA BAO GIỜ LÀ TỬ TẾ


Bạn có biết, tung thông tin cá nhân của một người lên mạng xã hội và vào “khủng bố” trang cá nhân của họ bằng những lời lẽ tiêu cực chính là một dạng quấy rối và bắt nạt? Cho dù ai là người thực hiện, với mục đích gì, và nạn nhân là ai thì cũng không làm cho hành động này trở nên đúng. Và hậu quả của bắt nạt, trong trường hợp này là bắt nạt trực tuyến (cyberbully) đối với nạn nhân khủng khiếp như thế nào thì chỉ cần một lần tìm kiếm trên internet là bạn đã có thể thấy.

TÌM KIẾM SỰ HỖ TRỢ


Vậy trường hợp họ không tiếp thu kiến thức mà ngược lại còn phản ứng trái chiều với góp ý của bạn thì sao? Lúc đấy bạn nên bình tĩnh và tìm đến sự giúp đỡ của những người có sự tín nhiệm. (VD: Bạn thấy sự kỳ thị trong trường, bạn có thể nhờ thầy cô, giáo viên can thiệp. Hay trên trang mạng xã hội thì bạn có thể nhờ admin…)

Trên đây là một số gợi ý để cậu có thể ứng xử khi gặp trường hợp thiếu kiến thức về đa dạng giới, tính dục hay kỳ thị người LGBTIQ. Nếu cậu có những gợi ý khác thì hãy comment bên dưới để mọi người cùng học hỏi nhé!

Để tìm hiểu thêm về cộng đồng LGBTIQ cũng như những kiến thức về đa dạng giới và tính dục SOGIESC, các cậu hãy truy cập vào “khóa học” Kỳ Lân Biết Tuốt của UniGEN nha! Kỳ Lân Biết Tuốt sẽ trang bị cho cậu những hành trang hết sức cần thiết để bảo vệ mình khỏi những định kiến, kỳ thị của xã hội và yêu thương bản thân nhiều hơn đó!

—————————

Tác giả: Lộc Huỳnh | Nam Yêu Nam Organization
Hình minh hoạ: davidwolfe.com

guest
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x