Hiểu lầm và định kiến về cộng đồng LGBT

6 hiểu lầm thường gặp về cộng đồng LGBT

Published on: 27/09/2020

“Thế giới ngoài kia rất rộng lớn, thay vì dùng những định chuẩn của mình để áp lên người khác, sao ta không thử mở lòng ra và học thêm điều mới?” – Nhân dịp kỷ niệm ngày IDAHOT năm 2020, UniGEN xin được giới thiệu tới cậu tuyển tập những định kiến, hiểu lầm thường gặp đối với các nhóm thiểu số trong cộng đồng LGBTIQ. Hãy cùng UniGEN điểm lại những câu nói ‘chán chẳng buồn phán’ và gỡ rối những định kiến về LGBTIQ này nhé.

50% đồng tính 50% dị tính?

Một người có thể nhận diện mình là người song tính nếu họ không chỉ cảm thấy hấp dẫn với một giới nhất định. Nhiều người song tính mô tả xu hướng tính dục của bản thân là cảm thấy hấp dẫn với hai giới khác nhau, bao gồm cả nam giới, nữ giới, hay phi nhị nguyên giới, v.v..

Tương tự, đa phần những người toàn tính định nghĩa xu hướng tính dục của bản thân là không quan tâm đến giới của đối phương khi tiến đến những cảm xúc lãng mạn, nói cách khác, người toàn tính có thể cảm thấy hấp dẫn với những người thuộc mọi giới.

Phần lớn những người song tính/toàn tính không cảm thấy hấp dẫn với các giới khác nhau với mức độ như nhau, đôi khi họ sẽ “thích” những người thuộc một giới này hơn là những người thuộc giới khác. Và vì lẽ đó, song tính/toàn tính cũng là một xu hướng tính dục hoàn chỉnh như đồng tính và dị tính, người song tính là 100% song tính, người toàn tính là 100% toàn tính chứ không phải là 50% đồng tính, 50% dị tính.

Tự hào hay khoa trương?

Rất dễ để thấy một số người dị tính/hợp giới cho rằng việc cộng đồng LGBTIQ tổ chức các lễ hội và diễu hành tự hào để thể hiện bản dạng queer của mình là “làm lố” và “khoe khoang”. Có lẽ trong suy nghĩ của họ cho rằng xu hướng tính dục và bản dạng giới chỉ là những điều hết sức bình thường của mỗi người, không có gì đáng để tự hào hay “phô trương” cả. Thế nhưng, họ lại vô tình lãng quên đi mất những đặc quyền mà mình đang có mỗi ngày khi không phải đấu tranh hay “kêu gào” để sự hiện diện của mình được xã hội ghi nhận và tôn trọng.

Trong một xã hội mà định chuẩn hóa dị tính và hợp giới đóng vai trò chủ đạo, chi phối mọi mặt của đời sống thì hoàn toàn dễ hiểu khi một số người LGBTIQ chọn cách thể hiện và gìn giữ văn hóa riêng của mình với đầy lòng tự hào. Khi hôn nhân đồng giới vẫn bị cấm tại nhiều quốc gia, một bạn trai học múa ballet thì bị cho là “yếu đuối” hay hầu hết những cặp đôi trên màn ảnh đều là dị tính thì việc một người LGBTIQ tự tin thể hiện bản dạng của mình là điều cần thiết để tiếp thêm động lực và dũng khí cho những người LGBTIQ khác còn “trong tủ”.

Công khai liệu có cần thiết?

Vào giai đoạn đầu của hành trình công khai “bước ra ánh sáng”, chỉ riêng việc cậu có thể nhìn vào gương và tự khẳng định dõng dạc bản dạng của mình đã là một bước tiến lớn rồi đấy! Bất cứ khi nào cậu cảm thấy lo lắng khi quyết định công khai với người khác thì hãy nhớ rằng cậu không cô độc, và rằng đây cũng là trải nghiệm chung của rất nhiều người trong cộng đồng LGBTIQ nha!

Không quan trọng cậu đã công khai với người khác hay chưa, chỉ cần cậu tự nhận thức xu hướng tính dục và bản dạng giới của mình nằm trong phổ “cầu vồng” thì cậu đã là một thành viên hoàn toàn “hợp lệ” của cộng đồng LGBTIQ. Cậu không nên cảm thấy bị áp lực phải công khai với người khác vì cậu không “nợ” ai một lời giải thích cả. Hãy công khai khi nào cậu cảm thấy thật an toàn và thoải mái nhé, chúng tớ sẽ luôn ở bên cậu!

Hành trình công khai của mỗi người không nhất thiết phải giống nhau, đôi khi việc công khai đối với người này sẽ khó khăn, thậm chí là nguy hiểm hơn đối với người khác. Vì thế, chúng ta đừng dè bỉu, xa lánh một người LGBTIQ chỉ vì họ chưa công khai mà hãy học cách tôn trọng và khoan dung nha!

Người chuyển giới chỉ có thể là nam hoặc nữ?

Thông thường người ta nghĩ người chuyển giới chỉ bao gồm những người chuyển giới từ nam sang nữ (MTF) và người chuyển giới từ nữ sang nam (FTM). Tuy nhiên, khái niệm chuyển giới có nội hàm rộng hơn thế. Khi ta định nghĩa người chuyển giới là những người có bản dạng giới không trùng với giới tính được định sẵn lúc ra đời thì những người phi nhị nguyên cũng là người chuyển giới đó!

Không chỉ vậy, cũng có những người nhận diện bản thân là “một cậu trai/cô nàng phi nhị nguyên giới” luôn nè. Theo đó, mặc dù bản dạng giới của họ có thể thiên về một giới tính nam hoặc nữ, nhưng họ không cảm thấy mình hoàn toàn “nằm trong” định nghĩa nam giới hoặc nữ giới mà có phần rơi ra ngoài phổ nhị nguyên. Bản dạng giới thật đa dạng và linh hoạt đúng không nào!

Tuy vậy, không phải người chuyển giới nào cũng thích dùng một nhãn chỉ vì định nghĩa của nó phù hợp với trải nghiệm của họ. Đôi lúc người chuyển giới sẽ thích dùng một nhãn này hơn là nhãn khác vì nó có vẻ miêu tả “đúng” hơn con người của họ, mặc dù định nghĩa của các nhãn đó là như nhau. Vì thế chúng ta đừng nên áp đặt cứng nhắc lên người chuyển giới mà hãy tôn trọng sự lựa chọn của họ nhé!

Người vô tính không thể yêu người khác?

Một người có thể nhận diện mình là người vô tính nếu họ không cảm thấy hấp dẫn về mặt tình dục bởi người khác, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không thể có tình cảm với người khác. Một người vô tính không nhất thiết phải là người vô ái (aromantic), họ vẫn có thể phát sinh tình cảm với người khác nhưng không muốn quan hệ tình dục với người đó. Điều đó có nghĩa là người vô tính hoàn toàn có thể ở trong một mối quan hệ lãng mạn nếu đó là điều họ muốn!

Ngoài ra, khái niệm vô tính cũng không thể hiện khía cạnh hành vi của một người, một người không bị hấp dẫn về mặt tình dục bởi người khác, dù họ đã từng quan hệ tình dục hay thủ dâm hay chưa, vẫn là người vô tính. Một vài người vô tính vẫn có thể có “khoái cảm” khi quan hệ tình dục, xem phim khiêu dâm hoặc thủ dâm mặc dù họ không cảm thấy “ham muốn xác thịt” với người khác. Đơn giản là họ không cảm thấy hấp dẫn về mặt tình dục, không ham muốn tình dục và có thể sống tốt mà không có tình dục.

Bên cạnh đó, không phải ai cũng hoặc là vô tính hoặc là hữu tính đâu nha. Có rất nhiều người rơi vào đâu đó trong phổ vô tính và nhận diện mình là người bán vô tính (gray-asexual) hoặc á tính (demisexual) đó!

Liên giới tính nghĩa là có nhiều giới tính?

Liên giới tính là một thuật ngữ khái quát chỉ những người có đặc điểm sinh dục hoặc sinh sản như bộ phận sinh dục, nhiễm sắc thể, nội tiết tố, v.v.. khác với hai cách phát triển thường thấy ở cơ thể nam và nữ. Thuật ngữ này dùng để mô tả đặc tính sinh học của một người chứ không phải bản dạng giới của người đó. Vì vậy, một người liên giới tính có thể nhận diện mình là nam giới, nữ giới hoặc phi nhị nguyên giới, chuyển giới, v.v..

Một số đặc điểm liên giới tính được phát hiện từ khi một đứa trẻ mới được sinh ra hoặc khi chúng còn nhỏ, dẫn đến tình trạng các cuộc phẫu thuật “chỉnh sửa” giới tính được thực hiện trên cơ thể của trẻ liên giới tính mà không có sự đồng thuận của đứa trẻ đó. Những cuộc phẫu thuật này là hoàn toàn không cần thiết cho sức khỏe của trẻ liên giới tính và có thể dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Khi những người này trưởng thành, giới tính đã được định sẵn thông qua phẫu thuật có thể phù hợp hoặc không phù hợp với bản dạng giới của họ.

Cơ thể của người liên giới tính, cũng như mọi người LGBTIQ khác, cần phải được bảo vệ khỏi sự can thiệp độc đoán xuất phát từ những quan niệm cổ hủ và lạc hậu của xã hội. Chúng ta hãy tôn trọng sự tự quyết cơ thể của nhau vì mọi hình hài, dạng thước đều đẹp đẽ và thiêng liêng.

—————————

Bài viết được thực hiện bởi UniGEN

guest
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x